Đời đục trong nên làm gì? – Thiền Không Sư

Đời đục trong – Thiền Không Sư

1.Đục, trong, say, tỉnh của Khuất Nguyên và ông lái đò

Khuất Nguyên làm quan đại phu cho đời Hoài Vương nước Sở, bị kẻ sàm báng mà phải bãi chức. Mặt mũi tiều tuỵ, hình dong khô héo, Khuất Nguyên vừa đi, vừa hát trên bờ đầm.

Có ông lão đánh cá trông thấy, hỏi rằng:

– Ông có phải là Tam Lư Đại Phu không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói: “Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh; bởi vậy nên ta phải bị bãi chức”.

Ông lão đánh cá nói: “Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tuỳ thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải phóng khí?”.

Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe: Mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ”.

Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay bơi chèo đi, rồi hát rằng:

“Sông Tương nước chảy trong veo.

Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.

Sông Tương nước đục phù sa

Thì ta lội xuống để mà rửa chân”.

Hát xong, đi thẳng không nói gì.

Do Khuất Nguyên không chịu trôi nổi theo thói đời, nên tới năm 278 trước Công nguyên, vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch, ông ôm một hòn đá, nhảy xuống sông Mịch La trẫm mình.

2.Cô đơn và Cô độc với đục, trong, say, tỉnh:

Cô đơn làm người ta sợ hãi, còn cô độc làm người ta mạnh mẽ. Cô độc là cảnh giới rất cao, đến nơi yên tĩnh, cô tịch, ẩn cư để tự học, chiêm nghiệm và sáng tạo ra các tác phẩm, bài viết đi vào lòng người hoặc sống trong cuộc đời, giao tiếp xã hội nhưng không dính mắc

Sự cô độc không phải bị bỏ rơi mà là chưa tìm được tri kỷ, chưa đươc thấu hiểu. Càng cô độc càng ưu tú: mọi khoảnh khắc đều là thử thách, mỗi ngày phát hiện ra nhiều bài học thâm sâu.

Sự cô độc tương xứng với sự thanh thản trong tâm hồn. Người càng xuât sắc càng tránh được các tương tác của xã hội, không hiệu quả của cuộc sống. Sau khi quan hệ giao tiếp với nhiều người khác, họ rất tỉnh táo và nhận ra rằng sự xuất sắc sinh ra từ sự cô độc – cái nhìn càng phong phú, sâu rộng.

Tô Đông Pha đã cởi chiếc áo của văn nhân để mặc áo nông dân, xây một căn nhà nhỏ đọc sách và viết, ông đã biến sự cô độc thành áng thơ ca thú vị – dù ngày càng trở nên bất đắc chí với chuyến lưu đày dài đằng đẵng, ông lại nảy sinh tình yêu với miền đất hẻo lánh và dùng gần trọn thời gian để sáng tác thi ca, thư họa. Đời người chẳng có con đường bình phẳng, mỗi người đều sẽ phải gặp những chuyện phiền lòng, những nỗi thương tâm. Và nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc nằm ở chính nội tâm mình. Thấu hiểu đạo lý đơn giản và biết đủ mới có thể có được hạnh phúc trong đời.

Sự trưởng thành là phải chung sống với cô độc vì chính cô độc tôi luyện bản thân, tỉnh táo, khác biệt và khó hiểu trong mắt người khác, và rất ít được công nhận, kiên trì với con đường đã chọn.

3.Trở về với chính mình

Khi thật sự trở về với chính mình, chúng ta mới thấy tuyệt diệu vô cùng. Vì khi đến tận cùng của cô độc, tâm mở ra vô lượng. Đạo và đời tuy là một trong cuộc đời, nhưng có hai hướng đi khác nhau, như một dòng sông có xuôi ngược. Đạo là nghịch lưu với dòng đời.

Lão tử cho rằng: Vào đời thì càng có càng muốn thêm, có hoài không đủ, có mãi không cùng. Vào đạo thì càng muốn bớt đi cho đến khi không còn gì để bớt, có được thứ gì cũng không là gì cả.

Con người luôn tìm: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu – tạo ra hội đồng hương, câu lạc bộ, cộng đồng,…Nhưng rất khó tìm được người cùng chí hướng trong suốt cuộc đời, đến lúc nào đó sẽ tách ra, vì đạo đời là hai hướng, gốc thì chung nhau, nhưng ngọn thì mỗi người mỗi hướng – gần nhau nhưng tính cách không giống nhau. Sống ở đời, người ta cho rằng cô độc là bât hạnh, nhưng trở về với mình thầm lặng để khám phá chính mình, tự nhiên: chịu đựng những khổ đau, tủi nhục, thăng trầm giữa cuộc đời mà không cần than thân trách phận với ai – những nỗi đau, bị coi thường, khốn khó tạo ra sự lớn mạnh, bản lĩnh, trí tuệ như bùn hôi hám giúp sen nở ngát hương vậy.

Nương tựa vào mối quan hệ thì bị lệ thuộc, dễ bị tổn thương.

Người biết ở một mình mới có thể tôn quý, có được tự do tự tại, hài hòa và phù hợp với bản thân. Chúng ta được học để chung sống với người khác, rất ít khi được học để sống với chính mình. Nhưng kẻ thù lớn nhất của đời người chính là chính mình. Nếu có ai có thể chiến thắng bản thân, chung sống với chính mình thì người đó có thể chiến thắng tất cả.

-Sự trưởng thành của bản thân: Mở mang tư duy, tự khám phá và lắng nghe nhiều hơn.

-Năng lực giao tiếp thâm sâu: Có cái nhìn với mối quan hệ xã hội sâu sắc, tinh tế, giao lưu vững bền, khiêm nhường, đưa ra nhiều chủ ý tốt, có giá trị.

Phản tỉnh và nhìn lại chính mình: Rất ít tác động bên ngoài vào tâm trí họ, nội tâm rất sáng trong và bình lặng.

-Khai mở trí tuệ: Nếu không yêu cô độc sẽ rất khó yêu tự do – bởi khi cô độc mới có thể có tự do. Họ cần cuộc sống thực tế, tự chủ, nhẹ nhàng, đơn giản, bản lĩnh, khôn ngoan hơn là hời hợt bên ngoài, ngắn hạn, phản bội,…

Thiền Không Sư

Vạn vật tương sinh tương khắc, nếu không có cái này thì sẽ sở hữu cái khác vậy.

Trở về với chính mình: nhanh thì tận hưởng với tốc độ, còn chậm thì ngắm cảnh sắc.

Khi muốn sum vầy hãy làm cây cỏ, khi làm cổ thụ thì phải chấp nhận cô độc

    .
    .
    .
    .