Tánh Không – Cái Biết Không Lời

“Không lời” là bí quyết, là chìa khóa của Tánh Không, nằm trong Tứ Niệm Xứ, trong bốn “xứ” mà ta hay gọi là “thân thọ tâm pháp”. Nếu pháp Thiền truyền thống “niệm hơi thở” được xem là “niệm thân”, pháp Thiền Vipassana là “niệm thọ” thì pháp Thiền Tánh Không có thể xem là “niệm pháp”. Niệm pháp có nghĩa theo dõi quán sát lời nói trong tâm và lìa bỏ chúng.
Bốn xứ “thân thọ tâm pháp” thực ra liên quan chặt chẽ với nhau, chúng tương tác với nhau theo luật Duyên khởi. Đời sống thông thường cho thấy, khi cơn giận nổi lên (tâm) thì khuôn mặt biến đổi, hơi thở dồn dập (thân). Trong Thiền lại càng rõ hơn, khi tâm vắng lặng thì thân thể an nhiên, các tác dụng thuận lợi về mặt sinh hóa trong thân, nó mang lại hỷ lạc, có khả năng chữa bệnh,…

(Một vị Thầy đã dạy)

Thiền Không Sư

Vài nét về Không – một dòng thiền đặc sắc trong thời hiện đại.

Trên chính thân tâm mình: tìm ra manh mối của khổ đau và giải thoát khỏi nó

“Không”:… không thiền, không quán, không chỉ, không định, không trụ, không ly…”. Các pháp đó vốn là tông chỉ của Thiền, nhưng đã được dùng ngôn ngữ để diễn đạt.

Thiền vốn nằm ngoài ngôn ngữ, mà mọi pháp tu học trong Thiền đa phần phải dùng ngôn ngữ để diễn bày.

Không nói thầm trong đầu là bước đầu tâm thức trong đó vắng bóng các loại đòi hỏi, mong cầu… mà chỉ ghi nhận các pháp xảy ra tức thì trong tâm: không còn suy luận, cân nhắc, vấn đáp… trong tâm: đạt được sự trống rỗng đó thì có một dạng hỷ lạc “do Định sanh”. Do đó ta có thể nói Định chỉ xuất hiện nếu hành giả đạt được mức độ Nhị thiền.

Lúc tâm thức lìa bỏ được các hoạt động thuộc về ý thức và tư tưởng như suy luận nội tâm, cân nhắc đúng sai, tự mình vấn đáp: gọi một cách đơn giản các hoạt động này là “lời nói thầm”. Cái Biết thường hằng và lặng lẽ soi sáng trong và ngoài tâm, nhưng không ai hỏi không ai đáp, không có ai đó cả để tầm cầu suy diễn.

Nhiều người trong chúng ta không phân biệt được “Cái Biết” và Tư tưởng, vì thông thường Tư tưởng đi theo Cái Biết như bóng theo hình. Nhưng thực ra có một dạng Biết nhưng Tâm vẫn trống rỗng, đó là điều mà Tánh Không gọi là “Biết không lời”.

Ví dụ: Hãy xét Cái Biết của mắt (nhãn thức). Khi cảnh vật hiện diện (trần) và mắt (căn) chú ý đến thì một nhãn thức sinh ra. Ta có thể xem nhãn thức là sự tương tác của mắt và cảnh vật. Nhãn thức được ví như chiếc cầu nối và hai trụ cầu là căn và trần. Khi nhãn thức ban sơ vừa xuất hiện thì đó là “Cái Thấy không lời”. Nhưng chỉ một sát na thời gian sau đó thì Tâm ta liền chuyển qua xét đoán cảnh vật, dù vẫn chú ý đến vật, lúc đó Cái Thấy đã trở thành “có lời”. Khi trỗi lên ý thức xét đoán, ta vô tình để cho khái niệm có sẵn trong đầu thay thế cảnh vật hiện tiền.

Do đó Cái Biết không lời, vắng dấu vết của khái niệm, của quá khứ, của ý thức quan sát, chính là cách để trải nghiệm sự vật “đúng như nó là”. trong cái Thấy chỉ có cái Thấy, trong cái Nghe chỉ có cái Nghe…”, trong đó không nói đến người thấy, người nghe…?

Khai triển pháp “Biết không lời”, ta sẽ đến với 4 khía cạnh của nó là “Thấy không lời”, “Nghe không lời”, “Xúc chạm không lời” và “Nhận thức không lời”. Đó là 4 cửa ngõ quan trọng của con người. Ta đã biết não bộ có những trung khu liên hệ với các giác quan và khả năng tư duy thông thường như suy luận, ngôn ngữ, tưởng tượng… Một khi các trung tâm đó bị tổn thương thì con người mất khả năng trong các giác quan liên hệ, thế thì phải chăng các khía cạnh của “Biết không lời” nói trên cũng có 4 vị trí hẳn hoi trong não bộ con người?

Có những điểm đặc sắc nói trên, nhưng thực ra Tánh Không chính là sự khai triển hiện đại của truyền thống Thiền nguyên thủy: “không lời” bằng những cách quen thuộc như “không nói thầm trong não”, “không định danh đối tượng”, “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”, xa lìa lời nói như “nhìn khoảng không, nhìn lưng chừng”, “nghe lại tánh nghe”. Trong sinh hoạt hàng ngày, trong hành động đi đứng nằm ngồi, trong đó ta chỉ ghi nhận mọi sự, không suy luận cân nhắc, không phê bình, so sánh. Điều này sẽ sinh ra một “quán tính không lời”, tạo cho tâm một thói quen mới, đó là chỉ Biết mà không có lời nói đi kèm.

Trong thực hành cụ thể thì sự cảm nhận hỷ lạc và an ổn trong thân biết mình đi đúng hướng.

Tại sao chỉ với pháp “Không nói” hay với Tâm Vô Niệm, ta mới có thể tiếp cận được với Thực tại đích thực. Qua đó ta biết rằng, có những tầng mức sâu cạn khác nhau trong Thiền, biết Chỉ và Định khác nhau, biết Định cũng có nhiều tầng nhiều lớp mà chỉ người thực hành mới tự hay tự biết. Giữa các tầng lớp khác nhau vi tế đó thì “có lời” và “không lời” là đặc trưng cơ bản nhất để phân biệt.

Nhìn chung, pháp “Không nói” cũng như mọi pháp Thiền khác, chỉ phù hợp với căn cơ của một số người nhất định. Thiền Tứ niệm xứ với 4 xứ Thân Thọ Tâm Pháp mở ra nhiều pháp khác nhau và sự phối hợp giữa các pháp. Thực tế là tâm ý của mỗi người đều khác nhau, mỗi người có những trở ngại khác nhau nằm sâu kín trong tâm mà khi nhân duyên đến thì sẽ tự “nhổ đinh tháo chốt”.

Kết luận, ta có thể nói, pháp “Không nói” phù hợp trong thời đại hiện tại, nhất là cho thành phần trí thức. Đặc trưng của thời đại chúng ta đang sống là thời đại của thông tin và tri thức. Thông tin tràn ngập trong đời sống, nhiều kiến thức vô bổ bủa vây chúng ta, bắt ta phải phản ứng, đánh giá, cân nhắc. Tâm chúng ta luôn luôn tràn ngập suy luận, đời sống nội tâm không bao giờ được an ổn. Ngoài ra, giai đoạn này cũng là thời đại của tri thức. Ngôn ngữ, tư tưởng, suy luận thường được xem là các tính chất ưu việt trong xã hội. Con người thời nay, khi đến với Thiền, hẳn phải ngỡ ngàng khi nghe: cần lìa Tầm lìa Tứ mới nếm trải được niềm vui của Định.

Do đó pháp “Không lời” tuy rất khó cho nhiều người nhưng có lẽ là cách đối trị hữu hiệu cho những ai trong thời đại này thật tâm tầm cầu một con đường trí tuệ.

Thiền Không Sư (ST)

    .
    .
    .
    .